Cuộc sống thường ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp các tình huống rót trà mời khách hay được mời dùng trà, nhưng chưa am hiểu sâu hơn về cách thức, trình tự và quy tắc ngầm hiểu trong trà đạo để có hành vi cư xử cho phải phép và đúng đạo.
Xem thêm:
Rót trà mời khách đúng cách thức, lễ nghi thưởng trà
Rót trà
Khi rót trà từ ấm trà hay từ chén tống và chén nên chào trà ba lần trong một lần rót.
Chào trà là thao tác đòi hỏi sự uyển chuyển vừa rót vừa nâng lên hạ xuống rồi đưa lên cao, độ cao đủ để không làm nước trà rơi bắn ra ngoài nhưng cũng không quá thấp để thấy được sự uyển chuyển của nghi thức hoan hỉ chào đón.
Người Việt Nam thường để vòi trà gần chén và rót trực tiếp từ ấm trà sang chén, rót từ từ đến lượng nước trà vừa đủ 7 phần 10 chén giống như văn hóa thưởng trà Trung Hoa.
Rót trà liên tục (Đưa trà)
Nếu rót cùng một lúc ra nhiều chén, chủ trà thường đưa trà theo hai cách:
- Đưa trà theo một theo đường thẳng: Đơn giản, phổ biến, chủ trà rót từ bên trái sang bên phải khi dùng tay phải và ngược lại nếu thuận tay trái, hành vi đưa trà sẽ rót từ bên phải sang bên trái. Quy tắc này dễ hiểu để đảm bảo không bị nhiễm trà.
- Đưa trà theo vòng tròn, Chủ trà nên rót theo ngược chiều kim đồng hồ ( đi từ đông, bắc, tây, đến nam) nếu dùng tay phải. Nếu thuận tay trái, chiều ngược lại theo hướng thuận theo chiều kim đồng hồ, đây là sự hoan nghênh vui mừng chào đón khách đến nhà. Kiểu đưa trà này phổ biến trong văn hóa mời trà Trung Hoa.
Việc rót trà, hay đưa trà điều đòi hỏi sự uyển chuyển và khéo léo của cổ tay, tránh và hạn chế tuyệt đối sự rơi vãi nước trà ra bàn trà, điều này thể hiện tinh thần trà đạo kém sự tinh tế.
Đặt ấm trà sau khi rót
Sau khi rót trà đặt ấm trà hay chén tống xuống bàn nhẹ nhàng và xoay vòi trà về phía mình.
Để chếch vòi trà hay chính diện đến khách là sự vô lễ trong nghi thức thưởng trà, điều này có ý nghĩa mời khách ra về.
Trong một cuộc đàm đạo với trà, chủ trà có thể không nói ra câu “không hoan nghênh, mời về” nhưng ý này được khách trà ngầm hiểu khi vòi ấm trà đang từ hướng chủ khách quay sang mình.
Thường được ngầm hiểu và trình bày lý do rời đi một cách lịch sự, tránh ảnh hưởng đến không khí thưởng trà đến những người còn lại.
Dâng trà (mời trà)
Có hai cách dâng trà mời khách:
Trong không gian trà phòng thân mật riêng tư, chủ trà và khách trà ngồi đối xứng, dâng trà thể hiện sự yêu mến, hiếu khách. Chủ trà duỗi ngửa hai lòng bàn tay, nâng chén trà trong lòng, hướng về khách trà.
Trường hợp phổ biến hơn, chủ trà và nhiều khách trà cùng thưởng trà. Chủ trà thường dùng lót trà để nâng đỡ chén khi chuẩn bị trà và dâng mời khách theo trình tự, điều này thể hiện sự trang trọng, lịch sự, nên chú ý không để ngón tay chạm vào miệng chén trà, đây là điều tối kị.
Dù là dâng trà bằng lòng bàn tay hay dùng đế lót bạn cần lưu ý các quy tắc dâng trà mời khách như sau:
- Khi tiếp cận khách trà, hơi cúi người khiêm nhường mời khách dâng trà bằng hai tay.
- Mặt trước của chén trà (có hoa văn) nên hướng về khách.
- Nếu chén có quai phần quai hướng về tay phải của khách.
Đây là chi tiết nhỏ nhưng quan trọng. Được khách trà ngầm hiểu và đánh giá được sự tinh tế, am hiểu về văn hóa mời trà.
Thứ tự mời trà
Quy tắc thứ tự mời trà nên nắm rõ
Khách trước chủ sau, phụ nữ trước nam nhân sau, người lớn tuổi trước người trẻ sau.
Thực hành thứ tự mời trà qua các trường hợp cụ thể
Có nhiều trường hợp bạn không biết thứ tự mời trà sao cho phải phép. Cùng thực hành mời trà qua các trường hợp cụ thể sau:
Ví dụ trường hợp bạn và Sếp của mình có một cuộc gặp đối tác tại không gian trà.
Đối tác của bạn là một người đàn ông thành đạt và lớn tuổi hơn bạn. Một người phụ nữ trẻ tuổi hơn là thư ký đi cùng. Sếp bạn nhờ bạn pha trà mời khách, trình tự mời trà sẽ là:
Mời thư ký của đối tác trước, đến đối tác, sếp của bạn, và một phần trà về phía mình.
Cùng phân tích trường hợp này,
Tiền khách hậu chủ thể hiện sự tôn trọng với đối tác.
Thay vì mời đối tác của bạn trước, nên mời thư ký dùng trà đầu tiên.
Phụ nữ nên được ưu tiên hơn, dù vị trí xã hội hay độ tuổi có phần trẻ hơn đối tác của bạn. Sự tôn trọng kể cả nhân viên đối tác, sự tinh tế này sẽ được đối tác nhìn nhận và có thiện cảm với chủ trà.
Trong trường hợp đối tác của bạn là một người doanh nhân trẻ, và trợ lý nam nhân đi cùng có tuổi tác lớn hơn.Bạn nên mời trợ lý của đối tác trước, sau đó đến đối tác, sếp của bạn, và một phần trà về phía mình.
Nếu đối tác của bạn là người đàn ông lớn tuổi, trợ lý nam nhân cũng tương đương với đối tác. Việc mời trà nên mời đối tác trước, đến trợ lý, đến sếp và bạn một phần trà.
Khi làm ăn với đối tác Người Trung hoặc Người Hoa, lễ nghi phép tắc trong mời trà nên được thuân thủ nghiêm ngặt để tránh tình huống khó xử, ghi điểm trong mắt đối tác.
Mỗi dịp tết đến xuân về, gia chủ tiếp khách nhiều hơn, đôi khi nhiều người cùng đến chúc xuân cùng lúc. Việc thực hành tốt các thứ tự mời trà sẽ giúp bạn tránh những tình huống khó xử, đẹp lòng các bên cũng như thể hiện được sự tinh ý trong văn hóa mời trà.
Cặn trà, lá trà nhỏ trong chén nên làm thế nào?
Người Trung Hoa thường rót trà qua lọc trà vào chén tống và từ chén tống rót qua chén quân mời khách nên ít gặp trường hợp này.
Người Việt Nam thường dùng ấm rót trực tiếp vào chén vì vậy sẽ thường có cặn trà hoặc một ít lá trà nhỏ trong chén, vậy khi gặp trường hợp này người mời trà và người dùng trà nên cư xử như thế nào?
Về phía người mời trà
Trong chén trà có cặn trà hay lá trà nhỏ được cho là việc chuẩn bị trà không khéo léo. Người mời trà không nên quá lo lắng, nên điềm tĩnh, nếu khách trà là một người quan trọng, vai vế trên bậc, bạn nên hỏi ý kiến của khách trà về việc thay mới một ly trà khác hay không.
Nếu là đối tác trong làm ăn hoặc cùng trang phải lứa, đây là một bước nhỏ trong dò xét ứng xử của người thưởng trà hay đối tác của bạn.
Về phía người dùng trà
Trong trường hợp này người thưởng trà không nên cố vớt lá trà ra, nếu được nên ngậm lá trà và từ từ nuốt lá trà. Khách dùng trà của bạn là một người tinh ý, lịch sự và có tinh thần yêu trà, có sự phóng khoáng, không câu nệ trong cách dùng trà.
Trường hợp khách dùng trà còn sót lại một cặn trà trong đáy chén.
Người mời trà nên xin phép thay đổi chén và đừng nên lập lại việc rót trà có cặn hay lá trà một lần nữa.
Nếu để sự sai sót này xảy ra thêm một lần nữa thì người mời trà cư xử thiếu am hiểu về trà đạo. Vì vậy để tránh trường hợp khó xử này, Trung Hoa có trà cụ lọc trà và chén tống đi kèm để lọc những cặn trà nhỏ mà phần lưới trà trong ấm không lọc được.
Thêm trà
Thêm trà chủ động. Chủ trà không nên để cạn chén trà của khách. Người thưởng trà thưởng trà từng ngụm nhỏ, còn chừa một ít nước trà trong chén, điều này ngầm hiểu “cuộc vui trò chuyện vẫn đang tiếp diễn, thêm trà, thêm vui”.
Khi người thưởng trà uống hết điều này ngầm hiểu là muốn dừng uống trà, nếu họ muốn châm thêm trà luôn chừa thêm lại một ít.
Chủ trà nên hiểu ý của khách, để thêm hiểu nhau, hiểu thêm về trà đạo.
Dùng trà sao cho đúng đạo,tinh tế và lịch sự
Cảm ơn khi được mời trà
Khi được mời trà hay thêm trà, nếu được nên đứng dậy cúi chào. Nếu đang ngồi nên gật nhẹ đầu cảm ơn. Ra tín hiệu đồng ý bằng việc cúi nhẹ đầu mỉm cười. Tuyệt đối đừng phớt lờ hay mãi mê trò chuyện.
Trong văn hóa thưởng trà của người Trung Hoa, khi được mời trà, khách trà thể hiện sự cảm tạ bằng nghi thức gõ tay ( biểu tượng cho sự cúi đầu) trên bàn ba lần.
Nâng chén trà
Dùng một tay nâng trà. Chén có quai cầm bằng tay phải. Chén không quai nên đặt trọng tâm vào giữa thân chén không chạm vào miệng chén.
Trường hợp dùng liễn trà, tay phải cầm nắp gạt trà tay trái nâng dĩa đỡ, đưa lên trước ngực và từ từ thưởng thức.
Phép lịch sự khi uống trà
Luôn ước lượng nhiệt độ trà trước khi thử, tránh trường hợp quá nóng gây bỏng miệng và tình huống khó xử thiếu lịch sự.
Thưởng trà từng ngụm nhỏ, không tạo ra tiếng ồn.
Đổ trà trên bàn là điều tối kị. Tuyệt đối không làm rơi, đổ trà trên bàn.
Lời khen, nhận xét về trà
Sau khi dùng trà, nên thể hiện sự tán thưởng, hoan hỉ khi được mời trà.
Sự thảo luận, chia sẽ kiến thức trà cũng giúp phần tạo nên không khí uống trà vui vẻ, hợp ý và thêm gắn kết mọi người.
Bàn trà đạo hi vọng qua bài viết này, Bạn đọc có thể biết cách rót trà mời khách sao cho đúng cách thức, lễ đạo, thể hiện sự tôn trọng, chào đón khách cũng như dùng trà sao cho lịch sự, tinh tế khi được mời trà.